Diện tích: 988,66 Km2.
Dân số: 65.451 người (số liệu thống kê năm 2008).
Huyện Chư Păh có vị trí địa lý:
- Phía tây và phía tây bắc giáp hai huyện Sa Thầy và Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum
- Phía bắc giáp thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
- Phía đông bắc giáp huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
- Phía đông giáp huyện Đăk Đoa
- Phía nam giáp thành phố Pleiku và huyện Ia Grai.
Ngoài ra, chảy dọc theo ranh giới huyện Chư Păh với huyện Sa Thầy của tỉnh Kon Tum là sông Krông B’Lah, phụ lưu của sông Sê San, tại đây có nhà máy thủy điện Yaly. Huyện này còn có chung hồ Biển Hồ với thành phố Pleiku, hồ này nằm trên địa phận các xã Nghĩa Hưng, Chư Jôr.
Vị trí địa lý:
– Bắc giáp: tỉnh Kon Tum.
– Nam giáp: huyện Ia Grai, thành phố Pleiku.
– Đông giáp: huyện Đăk Đoa.
– Tây giáp: tỉnh Kon Tum.
Đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn: 15 (1 thị trấn và 14 xã).
– Thị trấn Phú Hòa.
– Các xã: Chư Đăng Ya, Chư Jôr, Đăk Tơ Ver, Hà Tây, Hòa Phú, Ia Ka, Ia Khươl, Ia Mơ Nông, Ia Phí, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Ia Ly, Ia Kreng, Ia Nhin.
Tổng quan kinh tế – văn hoá – xã hội:
Chư Păh là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Gia Lai. Huyện lỵ là thị trấn Phú Hòa.
Chảy dọc theo ranh giới huyện Chư Păh với huyện Sa Thầy của tỉnh Kon Tum là con sông Ia Krông Bơ Lan, phụ lưu của sông Sê San, tại đây có nhà máy thủy điện Yaly. Huyện này còn có chung hồ Biển Hồ với thành phố Pleiku, hồ này nằm trên địa phận các xã Nghĩa Hưng, Chư Jôr.
Trên địa bàn của huyện có thác Công Chúa, nhà máy thuỷ điện Ia Ly, làng du lịch xã Ia Mnông là những thắng cảnh thu hút nhiều khách tham quan.
Đường quốc lộ 14 chạy qua giữa huyện theo hướng Bắc Nam, từ thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum, qua thị trấn Phú Hòa, sang thành phố Pleiku tiếp giáp với quốc lộ 19 nối giữa Pleiku và Quy Nhơn.
Trong giai đoạn 2005 – 2010, huyện Chư Păh đã đạt những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 13,15%, vượt chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng được kiện toàn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững…
Lĩnh vực văn hóa xã hội có sự khởi sắc, tỷ lệ học sinh ra lớp các bậc học hàng năm đạt 98%; toàn huyện có 2 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn “gia đình văn hóa” chiếm 80%; trên 75% thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu “khu dân cư văn hóa”; 95% công sở đạt danh hiệu “công sở văn hóa”. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,4%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 25%. Toàn huyện có 3.528 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo hiện tại còn 12%, giảm trên 26% so với năm 2005.
Cơ sở vật chất, thiết bị ngành giáo dục, y tế được đầu tư đúng mức, đáp ứng yêu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho nhân dân. Khôi phục, tôn tạo 66 nhà rông, lưu giữ 344 bộ cồng chiêng để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Chăm lo tốt đời sống và giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho người có công.
Có nhiều tác nhân tạo nên sức bật trên, song xuyên suốt là huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, khai thác hiệu quả lợi thế tiềm năng 4 tiểu vùng kinh tế đã định hình: Tiểu vùng Đông Bắc giữ ưu thế nông – lâm nghiệp, các tiểu vùng khác có lợi thế phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ giữ vị trí chủ lực.
5 năm qua, huyện tập trung nguồn vốn gần 700 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các xã trung tâm các tiểu vùng kinh tế như: Nghĩa Hưng, Chư Đăng Ya, Ia Kreng, Ia Nhin, ngã ba Tơ Vơn, Ia Ly, thị trấn Phú Hòa, trung tâm cụm xã Đak Tơ Ve với quy mô và chiến lược phát triển lâu dài. Kết cấu hạ tầng các xã, làng đặc biệt khó khăn được đầu tư đúng mức, tạo đà kinh tế-xã hội phát triển. Lưới điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, công trình phục vụ dân sinh từng bước được hoàn thiện.
Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%; điện quốc gia kéo về 100% thôn, làng, tổ dân phố; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 90%; 3/9 tuyến đường giao thông nông thôn nối tới trung tâm xã, tới tỉnh lộ, quốc lộ, bộ mặt đô thị nông thôn khang trang, khởi sắc. Trung tâm thương mại huyện làm đầu mối tiếp nhận, phân phối hàng hóa trong và ngoài địa bàn gắn với sắp xếp, xây dựng mới chợ nông thôn các xã: Nghĩa Hưng, Ia Ly, Ia Nhin, Hòa Phú làm trung tâm phân phối cho các xã phụ cận. Các chợ và 500 hộ cá thể vùng nông thôn kinh doanh hàng tiêu dùng, thực phẩm, thu mua nông sản, dịch vụ… hình thành hệ thống phân phối lưu thông, trao đổi hàng hóa đa chiều, đa dạng mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt, thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển, nâng tổng giá trị 5 năm qua của lĩnh vực này đạt trên 896 tỷ đồng.
Vùng đất Chư Pah vốn giàu tiềm năng đất đai, khoáng sản, du lịch, vị trí địa lý thuận lợi và nguồn nhân lực. Những năm qua, huyện đã chủ động xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư, đầu tư hạ tầng cơ sở cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung tại xã Ia Khươl, tổng diện tích quy hoạch 53,19 ha; tổ chức nhiều cuộc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư với cơ chế nhiều ưu đãi. Huyện cam kết giao mặt bằng đã giải phóng đền bù cho các doanh nghiệp đến đầu tư, giải quyết nhanh thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhiều doanh nghiệp đã và đang xúc tiến các thủ tục đầu tư chế biến, thu mua nông sản, cà phê, sản xuất gạch bông không nung, kinh doanh vận tải, du lịch, trồng rừng, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị kinh tế lớn hoạt động trên lĩnh vực thủy điện, trồng – khai thác – chế biến mủ cao su, chè, sản xuất xi măng, chế biến khí êtylen; 10 đơn vị xây dựng cơ sở luyện gang, sản xuất phân vi sinh, khai thác đá granit, đá trụ bazan; hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất đồ sắt, đồ mộc, điện dân dụng, nông cụ, khai thác tận thu cát, sửa chữa ô tô, chế biến nông sản thực phẩm. Ước tổng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2005 -2010 đạt trên 1.624 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp chiếm 15% tổng giá trị, giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại chỗ.
Khai thác tiềm năng tại chỗ, trong đó có tiềm năng nông nghiệp đã góp phần tái thiết lại cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành vùng chuyên canh, tập trung đầu tư nâng cao năng suất, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn hoạt động. Huyện đầu tư xây dựng 7 công trình thủy lợi làm cơ sở mở rộng diện tích lúa nước, phát triển cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, hồ tiêu, bắp lai, cao su, bời lời, cao su tiểu điền. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ bò lai, heo hướng nạc, mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt, phát triển đàn dê, ong lấy mật và đàn gia cầm, hình thành phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi rộng khắp… Ước tính, thu nhập bình quân năm 2010 đạt 12 triệu đồng/người/năm, bằng 190,48% chỉ tiêu đề ra.
5 năm qua bộ mặt nông thôn thay đổi sâu sắc. Thu ngân sách của địa phương năm sau cao hơn năm trước, trong đó thu ngân sách theo phân cấp hàng năm đều tăng, đảm bảo cân đối 25% tổng chi thường xuyên của huyện.
Trong giai đoạn 2010 – 2015, toàn huyện phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 13-14%; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa; huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Thảo luận về post này